Danh mục
Trang chủ >> CÂY THUỐC - VỊ THUỐC >> Công dụng thú vị từ Cỏ mần trầu

Công dụng thú vị từ Cỏ mần trầu

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Cỏ mần trầu là một dược liệu dễ tìm, dễ dùng, với nhiều công dụng khác nhau. Ngoài việc sử dụng trực tiếp, thì nó còn là dược liệu để bào chế ra nhiều chế phẩm giúp phòng, chữa bệnh và làm đẹp.

Công dụng thú vị từ Cỏ mần trầu

Công dụng thú vị từ Cỏ mần trầu

Cỏ mần trầu có khắp mọi miền nước ta và có nhiều tên khác như: vườn trầu, màn trầu, ngưu cân thảo, sam tử thảo, tất suất thảo, cỏ chỉ tía, có dán, cỏ bắc… Tên Hán cũng nhiều như: dã kê thảo (móng gà rừng). Tên Latin là Eleusine indica (L) Gaertn, họ Lúa (Poaceae). Cỏ mần trầu dùng cả cây dạng tươi hoặc khô.

Theo nhiều chia sẻ trên trang tin tức Y Dược được biết, cỏ mần trầu có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, Bổ huyết, hành huyết, lợi tiểu, giải độc, mát gan. Dùng ở các trường hợp hư tổn, chướng bụng, tiểu tiện không thông, phong thấp, sốt rét, sốt, gan nóng, huyết áp cao.

Một số kinh nghiệm dùng cỏ mần trầu

– Hải Thượng Lãn Ông dùng: Cỏ mần trầu 40g, ích mẫu 40g, đun sắc uống chữa viêm tinh hoàn (Bách gia trân tàng).

– Theo Hội Y học Dân tộc Thanh Hóa: Cỏ mần trầu có vị nhạt, tính mát, thanh nhiệt, tác dụng làm ra mồ hôi, mát gan, lợi tiểu, chữa cảm mạo mồ hôi không ra được… Liều 20 – 40g.

– Chữa sỏi tiết niệu: bài thuốc hay cỏ mần trầu 40g, bông mã đề 20g, mộc thông 8g, chi tử 8g, lá tre 20 lá, cam thảo 8g, cù mạch 8g, hương phụ chế 12h, sinh địa 16g. Trường hợp có đái ra máu thì thêm 20g rễ cỏ tranh, đái buốt thêm hoạt thạch 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống, mỗi lần uống 180ml

– Đồng bào dân tộc Dao ở Hà Giang dùng bài thuốc có cỏ mần trầu sau đây để chữa bệnh tóc bạc có kết quả tốt:

+ Thuốc dùng đường uống cho 1 ngày: cỏ mần trầu 10g, rễ khúc khắc 25g, vỏ thân cây ngũ ga bì 15g, vỏ thân đỗ trọng 15g, rễ cam thảo 5g, cả cây nhân trần 5g. Nếu dùng thuốc vào mùa đông, thêm 2g gừng nóng. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc uống sau bữa ăn chính khoảng 15 phút. Kiêng các loại chất tanh, chất kích thích, rau muống, cà chua. Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh không được dùng phương thuốc này.

+ Thuốc dùng ngoài: cả cây cỏ mần trầu 200g, bồ kết 3 quả, cỏ mần trầu thái nhỏ nấu với hai lít nước đến sôi, rồi để lửa nhỏ sôi khoảng 5 phút, chắt lấy nước trong, để vừa ấm gội đầu, nên ngâm tóc trong nước càng tốt. Sau đó, tráng lại bằng nước lã.

Kinh nghiệm của một số lương y

– Theo Lương y Nguyễn Văn Phấn:

+Chữa sốt nóng môi nứt, lưỡi tưa: cỏ mần trầu, rau má, rau bồ ngót, rễ tranh, cỏ mực, rau sam, lá muồng trâu, cây ké, mỗi thứ 1 nắm; bí đao 2 khoanh, đậu xanh 1 muỗng to. Sắc uống trong 1 ngày, ngày uống 3-4 lần sau ăn 30 phút.

Kinh nghiệm của một số lương y

Kinh nghiệm của một số lương y

+ Chữa mụn trong miệng: do ăn uống nhiều đồ cay nóng nên cần thanh nhiệt giải độc lợi tiểu tiện. Thành phần bài thuốc gồm: cỏ mần trầu, cây muỗng trâu, rễ cỏ tranh, rau sam, rau má, rau ngót, rau dền trắng, cỏ mực, cây ké, cây đậu săng, cam thảo nam, mỗi thứ 1 nắm; bí đao 2 khoanh mỏng, củ sả 10 lát mỏng, gừng tươi 3 lát, vỏ quýt 1 cái. Sắc với nước ngập 1 lóng ngón tay còn 1 bát để uống hết. Sắc thêm lần 2, lần 3 để uống trong ngày.

– Lương y Nguyễn Hữu Chi:

+ Đang cho con bú thì xuất hiện vú sưng đau: cấp bách dùng 2 cách trong uống ngoài đắp như sau:

– Uống trong: cỏ mần trầu 40g, bồ công anh 12g, thổ phục linh 20g, ngổ đất 40g, rau sam 20g, lá ớt 20g, cỏ the 20g, me đất 16g, măng sậy 40g, măng tre già 20g, dây hoàng đằng 20g, củ cỏ ống 20g, cây chó đẻ răng cưa 16g, dây cườm thảo 16g, lá vông nem 40g, cỏ mực 40g, khổ qua 40g, rễ tranh 40g. Đổ nước ngập thuốc, sắc còn 3 bát chia 3 lần uống trong 1 ngày.

– Thuốc đắp: cây bòng bong 1 nắm, tóc rối 2 nắm. Giã nhuyễn rồi trộn dấm đắp lên vú. Khi đã khô lại trộn dấm cho ẩm lại đắp tiếp.

Nguồn: thuocnam.edu.vn

Nguồn theo Y tế Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

Phương pháp Y học cổ truyền giúp điều trị chứng đau lưng hiệu quả

Đau lưng là bệnh lý xương khớp thường gặp hiện nay. Ngoài việc sử dụng ...