Bạch chỉ là một dược liệu quý với lịch sử sử dụng lâu đời, đặc biệt trong điều trị các chứng bệnh vùng đầu mặt và phụ khoa. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh nhiều tác dụng dược lý của nó, từ kháng khuẩn đến giảm đau và chống viêm.
Đặc điểm chung của Bạch Chỉ
Bạch chỉ(Angelica dahurica) còn gọi là Phong bạch chỉ, phong hương, bạch chỉ hàng châu, hương bạch thuộc họ Hoa tán là cây thân cỏ sống nhiều năm. Đặc trưng của cây là rễ cọc phát triển thành củ, thân rỗng màu tím hồng (khi non có lông), và lá lớn xẻ lông chim nhiều lần. Cụm hoa của bạch chỉ có dạng tán kép màu trắng, quả bế đôi hình bầu dục dẹt. Toàn cây, đặc biệt là rễ, thân và lá, đều chứa tinh dầu. Cần phân biệt bạch chỉ (Angelica dahurica) với xuyên bạch chỉ (Angelica anomala), một loài có đặc điểm hình thái hơi khác biệt nhưng ít được sử dụng thay thế.
Bạch chỉ đã được di thực và trồng thành công ở vùng núi cao và đồng bằng tại Việt Nam. Thời điểm trồng thường vào đầu năm và cây bắt đầu ra hoa vào khoảng tháng 4, tháng 5 năm sau. Rễ được thu hoạch vào mùa thu khi lá chuyển vàng, ưu tiên những cây chưa ra hoa kết quả, sau đó bảo quản bằng vôi hoặc phơi trực tiếp dưới nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 40-50°C. Bộ phận sử dụng là rễ củ đã phơi hoặc sấy khô, có hình chùy, màu nâu nhạt, mùi thơm hắc và vị cay hơi đắng.
Thành phần hóa học
Rễ bạch chỉ chứa nhiều hợp chất thuộc nhóm coumarin như oxypeucedanin, imperatorin, isoimperatorin, phellopterin và nhiều dẫn chất khác. Xuyên bạch chỉ có bergapten, umbelliferon và anomalin. Ngoài ra, các nghiên cứu còn xác định được tinh dầu trong bạch chỉ chứa α-pinen, camphen, β-pinen và nhiều terpen khác.
Công dụng theo y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, bạch chỉ có vị cay, tính ôn, quy vào các kinh Phế, Vị và Đại tràng. Dược liệu này có tác dụng giải biểu, khu phong, thắng thấp, hoạt huyết, tiêu mủ, sinh cơ, giảm đau và giúp khí huyết lưu thông. Do đó, bạch chỉ thường được dùng để:
– Điều trị nhức đầu, đau răng, các bệnh vùng đầu mặt, huyết trắng và điều hòa kinh nguyệt.
– Giảm đau, hút mủ trong các trường hợp sưng vú, ghẻ lở, cũng như cầm máu trong chảy máu cam và đại tiện ra máu.
– Bạch chỉ còn phối hợp với các dược liệu khác như sắn dây, địa liền (trong viên bạch địa căn) để hạ sốt, giảm đau, kháng khuẩn trong các bệnh như sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu và kết hợp với xuyên khung (trong bột khung chỉ).
Công dụng theo y học hiện đại
Các nghiên cứu Đông y đã chỉ ra nhiều tác dụng dược lý quan trọng của Bạch chỉ như là:
– Kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn như E. coli, Shigella sonnei, Pseudomonas aeruginosa và Vibrio cholerae, cũng như các vi khuẩn gram dương như Streptococcus và Staphylococcus.
– Trên động vật, bạch chỉ đã được chứng minh có tác dụng hạ sốt, giảm đau và kháng viêm. Dịch chiết từ bạch chỉ cũng cho thấy khả năng giảm co thắt cơ trơn tử cung ở thỏ và tác dụng bình suyễn trên chuột bị co thắt phế quản do histamine. Ngoài ra, các thành phần coumarin trong bạch chỉ có thể gây chậm nhịp tim ở thỏ và hạ huyết áp ở mèo, đồng thời byakangelicin còn có tác dụng chống khối u. Ở liều nhỏ, angelicotoxin có thể kích thích thần kinh trung ương, nhưng ở liều cao lại gây co giật và tê liệt.
Bài thuốc sử dụng Bạch chi
Bạch chỉ được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian để điều trị các chứng bệnh thường gặp như hạ sốt cho trẻ em (dùng nước nấu để tắm), chữa hôi miệng (ngậm viên bột bạch chỉ và xuyên khung), trị cảm cúm, sốt rét, đau đầu, nhức mỏi (uống bột bạch chỉ và xuyên khung với nước nóng hoặc rượu), chữa đau nửa đầu (hít bột bạch chỉ và các dược liệu khác), trị mụn nhọt mưng mủ (sắc bạch chỉ với đương quy và tạo giác), chữa viêm tuyến vú (sắc bạch chỉ với triết bối mẫu, đương quy và nhũ hương), giảm đau răng, sưng lợi (chấm bột bạch chỉ vào chỗ đau) và chữa đau bụng kinh (sắc bạch chỉ với hương phụ, quảng móc hương và cửu hương trùng).
Liều dùng thông thường của bạch chỉ là 5-10g mỗi ngày, có thể dùng dưới dạng sắc, bột, viên hoặc hoàn, chia làm nhiều lần uống. Dùng ngoài, bạch chỉ được nghiền bột đắp lên chỗ sưng viêm hoặc dùng nước sắc để rửa.
Lưu ý khi sử dụng
Các bác sĩ Y học cổ truyền lưu ý không dùng bạch chỉ cho người âm hư hỏa vượng, nhiệt thịnh. Cần phân biệt được bạch chỉ (Angelica dahurica) với cây mát rừng (Millettia pulchra), một loài cây khác họ thường được gọi là Nam bạch chỉ và có công dụng khác biệt.