Thổ phục linh là thảo dược quý có vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh Can, Vị, chủ trị phong thấp, vẩy nến, viêm da, đau dây thần kinh tọa, u nang buồng trứng, đau bụng kinh…
- Bài thuốc đông y điều trị đau nhức xương khớp từ cây bìm bịp
- Thầy thuốc đông y hướng dẫn món ăn bài thuốc trị bệnh từ cây cải cúc
Cây thổ phục linh là cây gì?
Bác sĩ Y học cổ truyền Sài Gòn cho biết, cây khúc khắc có rất nhiều tên gọi như thổ phục linh, cậm cù, linh phạn đoán, sơn lỳ lương, dây khum, kim cang, hồng thổ linh, thổ tỳ giải, sơn trư phấn, dây chắt, mọt hoi đòi (theo dân tộc Dao), tơ pớt (theo dân tộc Kho).
Tên khoa học: Smilax glabra Roxb.
Họ: Kim cang (Smilaccaceae)
Cây khúc khắc là cây dây leo sống lâu năm, dài 4-5m, có cây dài tới 10m, có nhiều cảnh, mảnh, không có gai. Lá mọc so le, có hình bầu dục thuôn, đầu nhọn dài khoảng 5-12cm, rộng 1-5cm. Tán lá đơn độc có 20-30 hoa nhỏ màu xanh nhạt, hoa đực và hoa cái riêng rẽ. Quả mọng, hình cầu, gần như 3 cạnh, có 3 hạt, khi chín có màu đỏ đến tím đen. Rễ củ hình thù không nhất định.
Trong Thổ phục linh (khúc khắc) có những thành phần hóa học như:
Trong lá và ngọn non: Nước 83,3%; Protein 2,4%; Glucid 8,9%; Xơ 2,2%; Tro 1,2%; Caroten 1,6%; Vitamin C 18%
Trong thân rễ, phần được sử dụng để làm dược liệu: Tinh bột; Sitosterol; Stigmasterol; Smilax saponin; Tigogenin; β-sitosterol; Tannin; Chất nhựa; Tinh dầu
Mùi vị: Khúc khắc (thổ phục linh) có vị hơi ngọt, nhạt, hơi chát, tính bình, có tác dụng khi đi vào các kinh Can, Vị.
Một số bài thuốc trị bệnh từ Thổ phục linh
Theo Giảng viên Trung cấp Y học cổ truyền cho biết, củ khúc khắc có vị ngọt, nhạt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, trừ thấp, trị các chứng đau nhức xương khớp, phong tê thấp, lở ngứa, giang mai, mụn nhọt, vảy nến, mề đay mẩn ngứa, rôm sảy…
Trị triệu chứng phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi gối: Khúc khắc 20g, dây đau xương, cốt toái bổ, tục đoạn, cẩu tích mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống. Nên uống trước bữa ăn 1 giờ.
Trị bệnh thấp khớp: Chuẩn bị: Khúc khắc, thạch cao, hy thiêm, ké đầu ngựa, ngạch mễ mỗi loại 20g. Ý dĩ, chi mẫu, liên kiều, đan sâm, tang chi, phòng phong, bạch thược mỗi vị 12g. Xương truật, quế chi mỗi loại 8g. Kê huyết đằng, tỳ giải, ngân hoa mỗi loại 16g. Cam thảo 6g. Cách thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2-3 lần uống.
Chữa đau thần kinh tọa: Sử dụng khúc khắc 30g, khoăn cân đằng 20g, ngưu tất nam 20g, tầm gửi dâu 20g, cốt toái bổ 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống.
Chữa bệnh tê thấp, đau nhức gân xương: Thổ phục linh 20g, ráng bay 10g, củ ráy rừng, đương quy mỗi loại 8g, bạch chỉ 6g. Sắc mỗi ngày 1 tháng, chia làm 2-3 lần uống. Nên uống hết trong ngày.
Chữa phong thấp, bổ can thận, lưu thông khí huyết: Củ khúc khắc, cà gai leo, cỏ xước, thiên niên kiện mỗi loại 300g; lá lốt 800g, quế chi 100g. Phơi khô tất cả dược liệu trên sau đó tán bột và ngâm cùng 5 lít rượu trắng 40 độ. Sau 10 ngày có thể đem ra sử dụng. Mỗi lần uống 30ml, ngày uống 2 lần.
Chữa nổi mề đay, mụn nhọt, chốc lở: Dùng 15g thổ phục linh, sài đất 40g, kim ngân 20g, sinh địa 20g, ké đầu ngựa 15g, cam thảo dây 15g sắc với lượng nước vừa đủ. Khi nước cạn còn một nửa, tắt bếp, chia làm 2 lần uống trong ngày. Nên sử dụng mỗi ngày 1 thang từ 5-7 ngày để thấy công hiệu.
Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng: Thổ phục linh, bồ công anh, mỗi vị 16g; nghệ vàng, kim ngân mỗi vị 12g, lá độc lực, vỏ bưởi bung, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa ho do viêm họng hoặc viêm amidan cấp: Thổ phục linh 12g, sài đất 20g, sinh địa, cam thảo dây, mạch môn, mỗi vị 12g; kim ngân hoa. Sắc uống ngày một thang.
Lưu ý khi sử dụng thổ phục linh
Y sĩ Y học cổ truyền cho biết thêm, hổ phục linh hay khúc khắc là một trong những vị thuốc quý được sử dụng không chỉ trị bệnh xương khớp, đặc biệt bệnh gout mà còn được dùng trong điều trị bệnh ngoài da như vảy nến, ung nhọt, giang mai, lở loét miệng, mề đay, mẩn ngứa. Trong quá trình sử dụng cần lưu ý một số trường hợp sau:
- Người can thận âm hư và người bị dị ứng với thành phần của khúc khắc hay bất kì chất nào có trong thảo dược này nên cân nhắc khi sử dụng.
- Bà bầu, phụ nữ đang cho con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn trước khi áp dụng.
- Nên liệt kê các loại thuốc đang sử dụng để tránh tương tác thuốc nếu có.
- Khúc khắc kỵ với nước trà, khi sử dụng chung có thể gây nên tình trạng rụng tóc.
- Những người bị đái tháo đường không nên sử dụng bởi trong khúc khắc có chứa hàm lượng tannin nhất định, có thể gây rối loạn tiêu hóa, kích ứng niêm mạc ruột và dạ dày.
- Khúc khắc có tác dụng lợi tiểu mạnh, do vậy không nên sử dụng với các loại thuốc điều trị bệnh khác.
- Thổ phục linh có thể kết hợp với hà thủ ô để chữa bệnh giang mai. Do đó người bệnh không phải lo lắng về việc củ khúc khắc có uống với củ hà thủ ô được không.
Khi sử dụng vị thuốc nam thổ phục linh không nên thần thánh hóa công dụng đồng thời nên kết hợp chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh.