Khương hoạt có tác dụng phát hãn, giải biểu, thắng thấp, trừ phong hàn và thông kinh hoạt lạc. Tuy nhiên người mắc các chứng bệnh do huyết hư không nên dùng vị thuốc này.
- Tìm hiểu những bài thuốc đông y giúp trị bệnh từ cây ké đầu ngựa
- Những công dụng không ngờ trong đông y từ dây mơ dại
- Ba kích – Đặc điểm và các bài thuốc đông y trị bệnh hiệu quả
Vị thuốc khương hoạt
- Tên gọi khác: Xuyên khương hoạt, Khương thanh, Hồ vương sứ giả.
- Tên dược: Rhizoma et Radix Notopterygii
- Tên khoa học: Notopterygium incisum Ting
- Họ: Hoa tán (danh pháp khoa học: Apiaceae)
Mô tả dược liệu khương hoạt
Đặc điểm thực vật
Cây thuốc – Vị thuốc khương hoạt là thân rễ (phần nằm dưới đất) là rễ của cây khương hoạt – Notopterygium incisium Ting. Khương hoạt là loài thực vật sống lâu năm, chiều cao chỉ khoảng 50 – 100cm. Cây không phân nhánh, toàn cây có mùi thơm rất đặc trưng, thân có màu xanh nhưng phía thân dưới có hơi ngả màu tím.
Lá hình kép lông chim, mọc so le, phiến lá chia thùy và xung quanh có mép răng cưa. Những lá ở dưới có cuống phát triển thành bẹ ôm lấy thân, mặt dưới màu xanh nhạt, mặt trên màu tím.
Hoa mọc thành tán, màu trắng và kích thước nhỏ. Quả màu nâu đen và có hình thoi dẹt, lưng và hai mép phát triển thành rìa. Phần thân rễ có đốt, thô và kích thước to.
Bộ phận dùng
Rễ và thân rễ – phần nằm ở dưới lòng đất.
Phân bố
Phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, nhiều nhất ở Thanh Hải, Cam Túc và Tứ Xuyên. Loài thực vật này đã được di thực vào nước ta nhưng chưa được trồng rộng rãi.
Thu hái – sơ chế
Thu hái thân rễ và rễ vào mùa thu. Chỉ chọn thứ rễ khô, to, đầu cứng và thịt nâu đậm. Sau khi đào rễ lên, cắt bỏ các rễ con, sau đó sấy hoặc phơi khô dùng dần. Hoặc có thể tẩm nước cho mềm, sau đó thái thành phiến mỏng rồi đem phơi khô.
Dược liệu được chia thành 2 loại:
- Điều khương: Là rễ của cây, hình trụ tròn, đường kính khoảng 0.3 – 1.6cm, dài 3.3 – 16.6cm. Chất xốp, dễ bẻ gãy và giòn. Dược liệu có mùi thơm thoang thoảng.
- Tằm khương: Là phần thân rễ nằm ở dưới đất của cây khương hoạt. Dược liệu có tên là tằm khương vì có hình dạng như con tằm, đường kính khoảng 0.5 – 2cm, dài 3.2 – 10cm. Có mùi thơm rõ rệt và đặc biệt.
Bảo quản
Tránh để dược liệu ở nơi nóng ẩm, bảo quản ở chỗ thoáng mát và khô ráo.
Thành phần hóa học
Theo Giảng viên Trung cấp Y học cổ truyền cho biết, dược liệu chứa thành phần hóa học rất đa dạng, bao gồm Angelical, Cinidilin, Bergapten, Isoimperatorin, 5-Hydroxy-8, Demethylfuropinnarin, Marmesin, Columbiananine, Phenethylferulate, Dodakenetin,…
Bài thuốc điều trị bệnh có vị thuốc Khương hoạt
Chữa đau vai gáy, đau lưng
Khương hoạt, Độc hoạt mỗi vị 3g. Cao bản, Phòng phong, Cam thảo (chích), Xuyên khung mỗi vị 1,5g. Mạn kinh tử 0,9g, nước 500ml, sắc còn 250ml, bỏ bã, uống nóng trước bữa ăn (Khương hoạt thắng thấp thang).
Chữa cảm sốt, đau đầu không ra mồ hôi, cột sống cứng, khó cử động, mạch phù, gấp
Khương hoạt 6g. Phòng phong, Xuyên khung mỗi vị 4,5g. Cam thảo, Tế tân mỗi vị 1g. Thương truật (ngâm nước gạo), Bạch chỉ, Hoàng cầm, Sinh địa mỗi vị 3g. Xay thành bột thô. Sắc nước uống (Cửu vị khương hoạt thang).
Chữa bán thân bất toại
Khương hoạt, Hương phụ (chế giấm), Đương quy mỗi vị 12g. Độc hoạt, Ngũ gia bì, Uy linh tiên, Chỉ xác, Nhũ hương, Ô dược, Phòng phong mỗi vị 9g. Xuyên sơn giáp, Cam thảo mỗi vị 6g. Sắc nước uống (Sơ phong hoạt huyết thuận khí thang).
Chữa trúng phong
Khương hoạt 6g, Phòng phong 10g, Phụ tử chế (sắc trước) 3g, bột sừng Linh dương 5g, Táo nhân 10g, Thiên ma 10g, Nhục quế 3g, Cam thảo 3g, Trúc lịch 10g, nước Gừng 5g. Sắc nước uống.
Chữa rụng tóc, tóc bạc sớm
Khương hoạt 10g, Thiên ma 10g, Bạch thược 15g, Đương quy 10g, Thỏ ty tử 3g, Mộc qua 15g, Xuyên khung 10g. Sắc nước uống.
Chữa viêm khớp dạng thấp, có sốt
Khương hoạt, Độc hoạt, Phòng phong mỗi vị 12g. Đan sâm, Cẩu tích, Tang chi, Thạch cao, mỗi vị 20g. Tế tân 5g. Quế chi, Đương quy mỗi vị 10g. Bạch giới tử 8g, Xuyên sơn giáp 6g, Lộ phòng phong 15g. Sắc nước uống.
Chữa mày đay
Khương hoạt, Tô tử mỗi vị 15g. Thương nhĩ tử, Cao bản, Bạch chỉ, Thỏ ty tử, mỗi vị 21g. Mộc qua, Uy linh tiên, Bạch truật, mỗi vị 25g. Thương truật, Pháp bán hạ, mỗi vị 12g. Sinh khương, Nhục quế mỗi vị 6g. Độc hoạt, Hồng hoa, mỗi vị 12g. Dùng dưới dạng thuốc sắc uống.
Lưu ý khi sử dụng vị thuốc Khương hoạt
Bác sĩ Y học cổ truyền Sài Gòn chia sẻ, người đau đầu, cơ thể đau do huyết hư, bệnh không phải do phong hàn thì không dùng.
Vị thuốc Khương hoạt có rất nhiều công dụng hữu ích, đóng góp thêm vào sự phong phú của kho tàng dược liệu của nền y học cổ truyền. Lợi ích là thế, tuy nhiên dược liệu vốn có hai mặt của nó. Vì vậy, trước khi sử dụng, quý độc giả nên tham khảo trước ý kiến của bác sĩ chuyên môn để đem lại hiệu quả tốt nhất.